Jan 21, 2009

Quẳng gánh lo đi mà vui sống


Trần Nguyên

Nguồn: báo Sài gòn tiếp thị


Tập sách trong loạt Đắc nhân tâm của học giả Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch từ bao nhiêu năm qua, nay lại càng đúng trong thời buổi con người ta “không còn thời gian để sống nữa”. Sao ta không thử một lần “quẳng gánh lo…” một cách giản đơn nhất?

Tắt điện thoại một ngày

Một nghiên cứu mới nhất của Nokia cho thấy, 53%, hơn nửa số người Mỹ đang đi làm, đã phải nhận điện thoại hoặc email liên quan đến công việc thậm chí ngay khi họ ở trong phòng tắm. Cuộc khảo sát cho biết rằng những chỉ thị liên quan đến công việc cũng lấn sang những lĩnh vực khác trong cuộc sống của người Mỹ. Khoảng 24% số người cho phép điện thoại hoặc email tìm đến họ trong khi họ đang giải trí và 23% khi đang hẹn hò. Đây có thể là vì hầu hết những người Mỹ đang đi làm không bao giờ tắt thiết bị di động. Tình hình này đáng báo động đến mức, tập đoàn sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới này phải lập tức triển khai một chương trình dành cho khách hàng nghiện điện thoại của mình mang tên “cân bằng cuộc sống”. Morgenstern, người đã viết tác phẩm Không bao giờ kiểm tra email vào buổi sáng cho biết: “Chúng ta phải có kỷ luật để duy trì sự tách bạch giữa công việc và đời sống cá nhân, để cả hai đều cân bằng và hoàn thành. Với sự tập trung và những công cụ đúng đắn, các bạn có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hai lĩnh vực – và thưởng thức những gì tốt đẹp nhất của cả hai”.

Chuyện chẳng phải chỉ xảy ra ở Mỹ. Ở xứ ta, có bao nhiêu người không bao giờ tắt điện thoại? Có bao nhiêu người lúc nào cũng “ôm kè kè” cái điện thoại bên mình và có bao nhiêu người túi bụi với hai, thậm chí là ba, cái điện thoại cùng reo một lúc? Câu trả lời, đơn giản vô cùng: Vô số.

Thay vì cứ bị lệ thuộc vô cái điện thoại, tức là thường trực đối diện với toàn bộ mọi áp lực công việc, quan hệ xã hội và đủ mọi vướng bận khác, sao ta không thử một ngày tắt máy, thả lỏng cơ thể cùng gia đình, người thân và tận hưởng sự tự do của chính mình trong thế giới đầy công nghệ này?

Có hai người để ta có thể kể về thành tích “ít sử dụng điện thoại”: tiến sĩ Phó Đức Tùng, một kiến trúc sư có tiếng tại Đức đang về sống tại Việt Nam. Tài năng, nhiều quan hệ và lắm công việc nhưng ông hoàn toàn không có điện thoại. Người thứ hai, là nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, một người sống trong dòng thời sự, nhưng điện thoại nằm im lìm trong giỏ xách, đơn giản, nó chỉ là một công cụ, không có quyền chen ngang hay ngắt quãng cuộc sống của bà.

Nhắm mắt một giờ

Có một câu chuyện được kể như thế này: có hai người mù nương vào nhau mà sống và họ thành vợ chồng. Mỗi ngày, chồng đi bán vé số, vợ ở nhà đan giỏ nhựa. Họ sinh ra hai thiên thần thật sự với ánh mắt trong veo, mỗi ngày ngoan ngoãn phụ mẹ sau giờ học. Đôi mắt của các con, chính là thiên đường, là niềm mơ ước và là khát vọng sống của đôi vợ chồng. Họ khó nhọc, nhưng thực sự hạnh phúc. Ước mơ lớn nhất của họ, và mãi mãi không thành hiện thực, là được một lần nhìn thấy những thiên thần do mình tạo ra… Câu chuyện được kể trong chương trình truyền hình Ngôi nhà mơ ước, với một nốt trầm cuối lời bình: “Ta được nhìn ngắm cả thế giới, để thấy đó là điều quá đỗi bình thường. Sao không thử nhắm mắt lại, để cảm nhận một cuộc sống khác, để hiểu rằng, cái bình thường mà ta đang có chính là cái mơ ước không bao giờ với tới của rất nhiều người…”.

Nói vậy thôi, nhưng các khoá học tâm lý phương Tây, các lớp thiền phương Đông đều có một điểm chung trong chương trình của mình: yêu cầu người học… nhắm mắt. Nhắm mắt, nghĩa là ta tạm đóng bớt một cánh cửa nhìn ra bên ngoài, để ngồi im và cảm nhận thế giới bên trong con người – thế giới tưởng chừng thân thuộc mà ta bỏ phế từ lâu lắm. Nhắm mắt, để cảm nhận một không gian sống rất khác nơi mà mình vẫn phải đối diện – đôi khi là đối đầu – mỗi thời khắc trong ngày, để biết rằng, cuộc sống còn rất nhiều điều đáng để quan tâm.

Một ngày, mỗi người đều có 24 giờ như nhau. Trong 24 giờ ấy, thế giới này đồng ý với việc phân chia ra làm ba phần, có những xê dịch khác nhau tuỳ theo nền văn hoá: 8 giờ cho công việc; 8 giờ cho cá nhân – gia đình và 8 giờ hoàn toàn cho bản thân mình. Cớ sao mình cứ phải để cái thứ công việc – vốn chỉ được chiếm 1/3 cuộc sống của mình, lôi tuột đi 2/3 cuộc sống còn lại?

Nhiều người hỏi, sao càng là thành phố lớn, lại càng có nhiều spa, nhiều tiệm thư giãn. Câu trả lời nằm ở một chỗ mà ít người để ý lắm: đó là nơi mà khi ta vào, để làm cái việc gọi là thư giãn, thực chất, chỉ là để cất điện thoại chỗ khác, ta nằm xoải người và nhắm mắt lại thôi mà…

Các bài liên quan



0 nhận xét:

Post a Comment

 
Copyright © 2008-2009 by Tôi8x.Blog. All rights reserved.
Xem tốt nhất trên Firefox và ở độ phân giải 1024x768.
Ghi rõ nguồn Tôi8x.Blog khi phát hành lại thông tin trên trang này.
Home | FAQ | Privacy Policy
Liên hệ: jojo_raisato